Các dạng bào chế chống nắng trên thị trường. Dạng bào chế rất quan trọng để quyết định tính hiệu quả và thẩm mỹ của sản phẩm chống nắng. Các thành phần như dung môi và chất làm mềm có thể có ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của sự hấp thụ tia UV của các hoạt chất chống nắng. Chất tạo màng và chất nhũ hóa xây dựng nên cấu trúc của lớp kem chống nắng khi được bôi trên da.
– Các sản phẩm có chỉ số SPF càng cao thì lớp màng kem chống nắng được bôi lên da phải có tính đồng nhất và độ dày càng lớn nhưng cũng phải đảm bảo được sự tương tác tối thiểu của các thành phần có hoạt tính trong sản phẩm.
– Bên cạnh đó, thời gian tác dụng và tính chống nước của sản phẩm chống nắng cũng phụ thuộc vào dạng bào chế.
– Cuối cùng, tính thẩm mỹ của dạng bào chế cũng đóng vai trò quan trọng trọng việc thành công của một sản phẩm chống nắng.
Hai dạng bào chế phổ biến nhất của các sản phẩm chống nắng là dạng lotion và dạng kem.
Dạng lotion và dạng kem
Hệ thống nhũ tương dầu trong nước hoặc nước trong dầu cho phép tạo ra sự đa dạng trong công thức. Hầu hết các thành phần chống nắng là lipid hòa tan trong dầu của hệ thống nhũ tương.
Sản phẩm có SPF cao có thể chứa đến 20-40% hợp chất chống nắng dạng dầu, gây cảm giác bóng nhờn nhiều khi bôi lên da. Các sản phẩm chống nắng dạng lotion, đặc biệt là các lotion chống nắng dùng trong thể thao có chứa ít dầu hơn.
Kem chống nắng dạng bột
Kem chống nắng dạng bột là dạng mới xuất hiện trên thì trường, tuy chưa có nhiều sản phẩm. Chống nắng dạng bột là chất bột mịn màng, có tông màu gần giống màu da và chỉ cần dùng cọ thoa đều lên vùng da cần bảo vệ là được.
Các dạng bào chế khác như dạng gel, dạng sáp, dạng xịt
Dạng gel có chứa nước hoặc cồn nên làm giảm bóng nhờn hơn, tuy nhiên, nhược điểm của dạng này là ít các hoạt chất chống nắng tan trong nước hoặc cồn nên thành phần sản phẩm bị giới hạn trong một số hợp chất và dạng bào chế này gây kích ứng da nhiều hơn so với dạng lotion và dạng kem.
Dạng sáp kết hợp chất chống nắng tan trong dầu với sáp và dầu nặng và vì thế chúng tạo thành lớp dầy trên bề mặt da. Dạng bào chế này thích hợp khi sử dụng trên một bề mặt nhỏ như ở môi, mũi và quanh mắt.
Dạng xịt có một lợi điểm là rất tiện lợi khi sử dụng. Điểm nổi bật đầu tiên của kem chống nắng dạng xịt phải kể đến là sự nhanh gọn khi sử dụng. Với thiết kế bình xịt, người dùng chỉ cần xịt một lớp kem lên các vùng da trên cơ thể mất khoảng vài giây, sau đó dùng tay xoa nhẹ nhàng để dàn đều các hoạt chất chống nắng. Như vậy là kết thúc liệu trình sử dụng khá đơn giản. Nhưng sử dụng dạng này khó tạo được một lớp màng bảo vệ đồng đều trên bề mặt da. Vì thế, dạng bào chế này vẫn chưa được FDA chính thức chấp nhận.
Theo khoahoclanda