Nhiều phụ nữ rỉ tai nhau về những “bí kíp” thanh lọc cơ thể gọn gàng, thanh thoát… nhưng một số bí kíp đó lại là phản khoa học. Vậy thanh lọc cơ thể thế nào cho đúng?
Nhiều người cho rằng thanh lọc cơ thể bằng phương pháp nhịn ăn giúp loại bỏ độc chất, “cho phép” các cơ quan của cơ thể nghỉ ngơi, sau đó lại nuôi dưỡng cơ thể bằng các dưỡng chất lành mạnh. Do vậy, cách này giúp làm sạch và nuôi dưỡng cơ thể từ trong ra ngoài. Nhờ thế, những người theo phương pháp này sẽ khỏe mạnh, dẻo dai hơn, da dẻ mịn màng hơn và đương nhiên là giữ được vẻ tươi trẻ lâu hơn. Cách thanh lọc này được nhiều người yêu thích và vì “yêu” nên đôi khi họ cũng khá “mù quáng”, nóng vội và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Chậm mà chắc
Để giải độc cơ thể, nhịn ăn không phải là biện pháp duy nhất, nhưng đây là phương pháp điển hình giúp các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, điều chỉnh cân nặng tối ưu, các chức năng của hệ thần kinh và cơ thể có điều kiện để tự điều chỉnh…
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mình mà bạn có thể áp dụng các cấp độ khác nhau của việc thanh lọc toàn cơ thể như: tiết thực, kiêng và giảm một phần lượng thức ăn, nhịn ăn tương đối với chỉ một hai muỗng cơm và một chút đồ ăn hoặc tuyệt đối không ăn uống gì.
Nếu ngay lập tức bỏ đói cơ thể trong 24 tiếng hoặc hơn, bạn chưa chắc đã thanh lọc đúng cách. Do chưa kịp thích nghi với việc nhịn ăn uống hoàn toàn, cơ thể dễ bị mệt và đói. Kế đến là không dễ ai đủ bản lĩnh và quyết tâm phớt lờ những món ngon “chẳng may” đặt sẵn trong tủ lạnh hoặc một cuộc điện thoại rủ rê thưởng thức món khoái khẩu, trong khi chỉ còn vài tiếng nữa là kết thúc kỳ thanh lọc.
Bỏ cuộc và ăn ngon lành các món ở phút 89 là sự thất bại đáng tiếc nhất với những người vội ép mình. Thêm nữa, nếu bạn nhất định đòi nhịn cho bằng được thì chưa chắc thể trạng cho phép, cơ thể bạn đồng tình.
Kết hợp với vận động
Theo PGS-TS bác sĩ Phạm Huy Hùng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Sai lầm lớn và thường gặp trong việc thanh lọc cơ thể là nhịn ăn mà không kết hợp với thể dục và tập thở. Nhiều người thường nằm ì một chỗ vì cho rằng nhịn ăn thì sao có sức mà luyện tập. Thực tế, chính việc vận động cơ hô hấp, bắp thịt sẽ giúp sự chuyển hóa mỡ thừa trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn, đầu óc thư thả hơn, đẩy nhanh được quá trình loại bỏ độc tố.
Trong kỳ nhịn ăn đầu tiên, nếu cảm thấy mệt, bạn có thể nằm nghỉ, dùng một chút thức ăn nhưng khi bắt đầu sang ngày thứ 2 (đối với kỳ thanh lọc 2 ngày) và ở những lần thanh lọc sau, bạn nên kết hợp với bài đi bộ hít thở sâu, yoga, khí công… để khí huyết lưu thông và cơ không bị yếu mềm, lỏng lẻo. Những chị em “háu đói” có thể mất nhiều thời gian hơn khi làm quen với quy trình giải độc cơ thể này nhưng khả năng nhịn ăn luôn có sẵn trong mỗi người. Điều quan trọng là bạn có thể thích nghi, “đánh thức” nó không mà thôi.
Với phụ nữ, những lời rỉ tai, mách nhỏ từ cô bạn tập chung lớp thể dục, cô đồng nghiệp hay người bạn học chung thời chanh cốm nhiều khi “nặng ký” không kém ý kiến các chuyên gia. Thật ra, nếu có tiết lộ bí kíp cho nhau hãy nói thêm với những chị em khác rằng phương pháp này chỉ có thể áp dụng với những ai có nhận thức sâu sắc về sự nhịn ăn, lắng nghe thể trạng của mình, kiên trì, không nóng vội khi bắt đầu và được một thầy thuốc có kinh nghiệm hướng dẫn, theo dõi.
Cần chuẩn bị gì cho liệu trình đặc biệt?
Trừ những người đã quen với việc nhịn hoặc giảm ăn mới có thể tự tin tuyên bố “hôm nay tôi thanh lọc cơ thể” bất cứ khi nào họ muốn mà không lo ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc. Với những người mới bắt đầu, cần phải có bước chuẩn bị thật tốt.
Để nắm thế chủ động trong việc nhịn ăn, bạn nên dành hẳn dịp cuối tuần hoặc một vài ngày nghỉ. Đồng thời đừng quá căng thẳng, cứng nhắc buộc mình phải nhịn cả ăn uống suốt ngày. Khi thấy khó chịu hay khát, bạn có thể nhấp một chút nước, ăn nhẹ chỉ một miếng rau, hũ sữa chua… Nên sẵn sàng cho một bài tập vận động nhẹ, hoặc làm những việc nhẹ nhàng trong nhà thay vì nằm ì một chỗ.
Theo PGS-TS bác sĩ Phạm Huy Hùng, điều quan trọng là bạn phải vượt qua được ngày đầu tiên trong kỳ thanh lọc của mình. Đây không chỉ là thời điểm quan trọng giúp cơ thể làm quen với sự thay đổi mà còn giúp ổn định tâm lý, không nản mà bỏ dở kế hoạch này.
Làm gì khi bạn thuộc nhóm “chống chỉ định”?
Những thực đơn “nghèo” năng lượng hay thậm chí là không ăn gì trong một (hay một vài) ngày là một “chiến dịch” đặc biệt không dành cho trẻ em, thanh thiếu niên mới lớn, phụ nữ cho con bú, suy dinh dưỡng, huyết áp thấp, suy tim.
Khi bác sĩ của bạn phán rằng bạn không thể áp dụng việc giảm hay nhịn ăn, vẫn còn rất nhiều biện pháp thanh lọc nhẹ nhàng khác để theo đuổi. Đây cũng là những lựa chọn tích cực, có thể áp dụng hằng ngày đối với những ai đã áp dụng thanh lọc cơ thể bằng cách nhịn ăn.