Giải đáp thắc mắc phổ biến về da dầu mụn cùng Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương

Nguồn: ELLE VIỆT NAM

 

Cùng ELLE lắng nghe Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương chia sẻ những kiến thức cần thiết để chăm sóc và điều trị da mụn hiệu quả, tích cực hơn.

Sáng 8/8/2018, ELLE Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương để trò chuyện về chủ đề chăm sóc và điều trị da dầu mụn.

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương hiện đang công tác ở phòng Chăm sóc Da của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đồng thời là giảng viên tận tụy của khoa Da liễu ở Đại học Y Dược TPHCM. Bác sĩ Sương nổi tiếng với trình độ chuyên môn cao, đã chữa trị thành công rất nhiều ca bệnh khó. 

điều trị da dầu mụn bác sĩ võ thị bạch sương 1

Trong nhiều năm qua, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (phải) luôn là khách mời danh dự của các chương trình truyền hình và hội thảo tư vấn về da uy tín hàng đầu Việt Nam

Trong buổi trò chuyện, bác sĩ đã chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị và thiết thực để hỗ trợ độc giả ELLE Việt Nam trên chặng đường chiến đấu chống lại mụn. Sau đây, ELLE xin trích lược những nội dung quan trọng nhất mà các bạn độc giả cần biết.

Nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng da mụn và sẹo mụn là gì?

Mụn có thể xảy ra trước hết do yếu tố di truyền, quyết định bằng gene quy định chất da dầu và lỗ chân lông to; Thứ hai là do yếu tố hormone. Ngày xưa “nữ thập tam, nam thập lục” là độ tuổi dậy thì phổ biến, nhưng nay đã khác. Con gái có thể mới 9 tuổi đã dậy thì, còn con trai 11 tuổi. Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ ở độ tuổi này tạo điều kiện cho các vi khuẩn ưa môi trường dầu phát triển, khiến lỗ chân lông tắc nghẽn hình thành nhân mụn. Bên cạnh đó, nếu bạn đưa tay thiếu vệ sinh lên mặt và nặn mụn non sẽ gây tình trạng sẹo.

Vậy đâu là nguyên nhân gây mụn ở phụ nữ trưởng thành (sau 25 tuổi)?

Nội tiết tố là điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến. Phụ nữ trưởng thành nếu hội đủ các yếu tố như: Dáng người tròn trịa, rụng tóc nhiều và tay chân rậm lông có khả năng cao là gặp vấn đề rối loạn nội tiết. Nếu song hành với đó là hội chứng buồng trứng đa nang, môi trường sống ô nhiễm, tình trạng căng thẳng, thói quen sử dụng mỹ phẩm thiếu thận trọng… thì mụn có thể bùng phát nặng hơn ngay cả khi bạn đã qua tuổi dậy thì.

Mụn chỉ mọc quanh cằm là do đâu?

Có ba nguyên nhân chính:

  • Viêm da quanh miệng do ký sinh trùng kỵ khí
  • Dùng sản phẩm có corticoid
  • Rối loạn nội tiết tố

Bạn nên chăm sóc ngoài da với những sản phẩm giảm viêm, tiêu cồi trước cho vùng da quanh cằm. Nếu không thuyên giảm thì cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được kê toa đường uống phù hợp.

Điều trị da dầu mụn cùng bác sĩ Sương 2

Ảnh: William Randles

Ăn uống, sinh hoạt thế nào để hạn chế tình trạng dầu mụn?

Về mặt y văn, có hai điều cơ bản cần lưu ý trong chế độ ăn uống cho da dầu mụn:

  • Hạn chế dung nạp sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò vì có chất khiến tình trạng mụn nặng hơn
  • Hạn chế dung nạp đường ngọt (kể cả đường tự nhiên từ trái cây nhiệt đới như vải, nhãn, xoài chín, mít, sầu riêng) vì đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến ổ mụn viêm thêm sưng, căng tức

Lưu ý: Không có chế độ ăn nào có thể giúp bạn trị mụn mà chỉ hỗ trợ để thuốc điều trị hoạt động tốt hơn. Những thực phẩm vẫn được dân gian sử dụng để làm mát cơ thể, hỗ trợ điều trị mụn như rau diếp cá, thổ phục linh, cá đầu ngựa, mật ong, bí xanh… quả thật có tác dụng. Tuy nhiên ngay cả với những thực phẩm này, nếu muốn dùng như thuốc điều trị, bạn vẫn cần gặp bác sĩ để được tư vấn liều phù hợp chứ không nên tự ý sử dụng.

Yếu tố căng thẳng thần kinh cũng kích thích tuyến thượng thận tiết ra những hormone khiến da nổi mụn. Sau những chấn động tâm lý như thất bại trong cuộc sống, tình yêu, công việc… chúng ta có thể bị nổi mụn là bởi lẽ này. Do đó, thư giãn tinh thần, rèn luyện thể chất cũng là cách gián tiếp giúp bạn khắc phục tình trạng mụn.

Chu trình dưỡng da nào tốt cho làn da dầu mụn?

Làm sạch – dưỡng ẩm – chống nắng là ba bước không thay đổi trong mọi tình huống. Tuy nhiên bạn cần lựa chọn sản phẩm chuyên biệt cho da dầu mụn không chứa hoạt chất gây tăng tiết dầu, sinh nhân mụn.

Nếu bắt buộc phải trang điểm, bạn cần dưỡng ẩm đầy đủ trước khi bắt đầu các bước khác. Khi chọn sản phẩm nền, bạn nên chọn dạng kết cấu lỏng hơn dạng nén hoặc kem để hạn chế gây bí da. Kem nền nên là sản phẩm dành riêng cho da dầu mụn, thông thường có chứa acid salicylic.

Khi da bị mụn, có nên đắp mặt nạ dưỡng da với thành phần thiên nhiên không?

Không nên, bởi đa số các mặt nạ làm bằng thành phần tự nhiên (rau củ, trái cây) không có tác dụng dưỡng da và trị mụn như chúng ta vẫn lầm tưởng. Lý do là bởi hoạt chất không thể vượt qua lớp sừng để ngấm vào da. Mặt khác, một số loại trái cây giàu acid như dứa, chanh xanh thậm chí có thể gây kích ứng bề mặt da.

Điều trị da dầu mụn cùng bác sĩ Sương 3

Ảnh: Noah Buscher

Da mụn có nên dùng kem chống nắng thường xuyên?

Mặc dù kem chống nắng có thể bảo vệ da, giúp chống lão hóa nhưng một số sản phẩm cũng có thể chứa hoạt chất gây kích ứng da mụn. Nếu đang trong tình trạng mụn viêm nặng, bạn nên hạn chế bôi kem chống nắng nhiều lần trong ngày mà thay vào đó là biện pháp che chắn bằng quần áo, kính mát và bớt ra đường khi trời nắng cường độ cao.

Kem chống nắng vật lý hay hóa học cũng đều tạo phản ứng hóa học, tuy nhiên kem chống nắng thiên về vật lý có thể “hiền” hơn trên làn da vốn đã bị kích ứng sẵn. Dù vậy, nếu vốn đang bị mụn thì bạn nên tìm kiếm loại kem chống nắng được điều chế chuyên biệt để tương thích với da mụn nhạy cảm, không nên quá để ý đến việc là vật lý hay hóa học.

Có nên nặn mụn không?

Bác sĩ da liễu không ủng hộ nặn mụn trong trường hợp mụn non để giới hạn nhiễm trùng và tạo sẹo. Khi mụn đã già cồi, khô và có chấm đen trên đầu thì nên thực hiện xông mặt và nặn để lấy ổ viêm ra ngoài. Còn với mụn đầu trắng mưng mủ, sưng viêm kích thước lớn thì cần đến phòng khám chuyên khoa để được điều trị thoát mủ an toàn nhất.

Đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Có nên nặn mụn không?

“Có nên nặn mụn không?”. Không phải loại mụn nào chúng ta cũng có thể tự nặn được. Nếu mụn không được xử lý đúng cách sẽ gây ra nhiều tai hại…

Thực hư về biện pháp đẩy mụn

Không tồn tại loại thuốc đẩy mụn. Cồi tự đẩy từ lớp đáy lên sừng trong chu kỳ trung bình là 28 ngày, không cần bất kỳ thuốc nào để đẩy cồi lên. Thuốc trị mụn thực chất hoạt động theo cách thức bào mòn hoặc tiêu hủy cồi/sừng mụn. AHA và BHA chính là sản phẩm tiêu cồi/bong sừng chứ không phải “đẩy cồi”.

AHA và BHA có tác dụng như mong muốn hay không phụ thuộc vào độ nghiêm trọng của mụn và nồng độ sản phẩm. Khi sử dụng sản phẩm này chúng ta cần kiên nhẫn bởi không thể thấy kết quả ngay trong 2-3 ngày.

Có thể trị dứt mụn đầu đen trên mũi không?

Sống mũi có thể được coi như “ống cống” thải hết bã nhờn trên tổng thể khuôn mặt, vì vậy không cách nào xóa bỏ hoàn toàn tình trạng mụn đầu đen trên mũi. Cách duy nhất là chúng ta phải duy trì sản phẩm đặc trị tiêu cồi liên tục. Trong giai đoạn mụn đầu đen nặng thì cần sử dụng thuốc bôi hằng ngày; khi mụn đã bớt thì giảm bớt tần suất xuống còn 1-2 lần/tuần. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý lựa chọn các sản phẩm dưỡng da phù hợp, hạn chế dầu để không vô tình hình thành ổ mụn đầu đen mới.

điều trị da dầu mụn bác sĩ võ thị bạch sương 2

Trong buổi trò chuyện, Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương làm sáng tỏ rất nhiều “truyền thuyết” về việc trị mụn và chăm sóc da

Có nên điều trị mụn thịt bằng laser trong quá trình cho con bú?

Đến nay, đốt laser gần như là lựa chọn duy nhất để điều trị mụn thịt, đặc biệt là ở vùng mắt. Nếu mụn thịt mọc trên cơ thể thì bạn có thể dùng một số loại acid nồng độ cao để xử lý, nhưng trên mắt thì không được vì có thể gây mù.

Đốt laser không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Tuy nhiên nếu bạn bị sưng phù vùng da sau khi đốt laser thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định uống/thoa kháng sinh khắc phục. Bạn nên báo trước với bác sĩ về việc có thai và cho con bú để được tư vấn cụ thể hơn trước khi đốt laser.

Chăm sóc sẹo sau mụn như thế nào?

Sẹo có hai loại: Loại tăng sắc tố sau viêm thường gọi là sẹo thâm và loại thay đổi cấu trúc thường gọi là sẹo rỗ hoặc lồi. Sẹo thâm có thể tự mờ theo thời gian, nếu muốn nhanh hơn bạn có thể thoa sản phẩm dưỡng lành sẹo chuyên biệt kết hợp tích cực tránh nắng. Ổ mụn viêm càng lớn thì nguy cơ hình thành sẹo càng cao, vì vậy bạn có thể phòng tránh bằng cách kiểm soát mụn sớm ngay từ khi mới phát hiện bằng thuốc đặc trị. Loại sẹo thay đổi cấu trúc khó khắc phục hơn, thường chỉ có thể khắc phục bằng cách biện pháp chấn thương cơ học như lăn kim, lột da hóa học hoặc đốt laser. Bạn nên tìm đến các chuyên khoa da liễu để được tư vấn chi tiết.

điều trị da dầu mụn cùng bác sĩ Sương 6

Ảnh: Ali Marel

Collagen có tác dụng trị mụn không?

Bổ sung collagen có thể giúp da săn chắc hơn và nên sử dụng khi muốn chống lão hóa, tuy nhiên collagen không thể giúp bạn trị mụn. Bên cạnh đó, collagen qua đường uống cũng không thể giúp bạn làm đầy sẹo rỗ. Với loại sẹo này, bạn chỉ có thể dùng các biện pháp cơ học công nghệ cao để kích thích da tăng sợi collagen và làm đầy vết lõm.

Link sản phẩm tham khảo: https://myphamthalgo.com/duoc-my-pham-dieu-tri/

Các viên uống chức năng có tác dụng trị mụn không?

Chỉ có ba nhóm thuốc điều trị mụn được bác sĩ kê toa:

  • Kháng sinh cho đa số mụn viêm
  • Thuốc uống nội tiết tố
  • Thuốc trị mụn bọc kháng trị với điều trị thông thường

Các viên uống thực phẩm chức năng khác (vitamin E, kẽm…) có thể hỗ trợ điều trị nhưng không phải thuốc. Bạn vẫn nên uống nếu có điều kiện tài chính và cảm thấy cần thiết, tuy nhiên không nên kỳ vọng hết mụn chỉ nhờ uống loại viên này.

Có nên điều trị mụn bằng phương pháp Đông y như rượu ngâm thuốc Bắc?

Lời khuyên là không nên, bởi các phương pháp này hiện chưa hề dựa trên căn cứ khoa học đáng tin cậy nào. Mặt khác, rượu thuốc còn có thể chứa nồng độ cồn cao và thậm chí cả corticoid khiến da bùng mụn nhiều hơn. Nếu bạn phải hứng chịu hậu quả, các cơ sở bán rượu thuốc không rõ nguồn gốc cũng sẽ không hỗ trợ điều trị cho bạn.

Nếu da bị bùng mụn mà chưa thể đi khám bác sĩ ngay, bạn cần làm gì?

Khi chưa tiện đi khám bác sĩ thì đây là những việc cơ bản cần làm ngay:

  • Tránh nắng cẩn thận
  • Hạn chế sữa bò, ngọt và chất béo
  • Không dưỡng hay trang điểm mà trước mắt là cần vệ sinh, làm sạch mặt đầy đủ với sản phẩm lành tính, đắp mặt nạ đất sét xốp
  • Sử dụng thuốc chấm mụn đặc trị tại các nhà thuốc Tây theo đúng toa hướng dẫn
  • Sau khoảng một, hai tháng mà mụn vẫn không bớt thì cần thiết đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa

Nguồn: ELLE VIỆT NAM

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger